Một vị giáo sư đòi mua đồi cò của bà Khiêm với giá 10 tỷ đồng, hoặc đổi đồi cò lấy căn biệt thự ở Hà Nội.
Mặt trời lặn xuống phía bên kia dãy núi hình lưỡi liềm của tỉnh Phú Thọ. Chân trời đỏ rực, mặt sông Lô dát ánh bạc. Những cánh cò trắng chao nghiêng giữa khung cảnh ấy tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình.
Cò về đông quá! Cả chục ngọn núi, ngọn đồi rậm rạp cây cối ở xã Hải Lựu (Sông Lô, Vĩnh Phúc) không có một cánh cò đáp xuống. Chúng tìm cả về đồi Trầm Sai. Chỉ ở ngọn đồi này chúng mới được ngon giấc, được an toàn trong tình yêu thương của bà Khiêm.
Thân cò giữ cò
Để bảo vệ đàn cò không phải chỉ là trồng cây cho chúng ở, mà bà Khiêm còn phải thức đêm đuổi bọn trộm và lũ cầy cáo.
Khi một chú cò bị chết, bà Khiêm lại đau xót.
|
Cò kéo về càng nhiều, bà Khiêm càng vất vả hơn trong việc trông nom, đảm bảo an toàn cho chúng.
Đêm nào cũng vậy, trước khi đi ngủ, bà lại thắp đèn dầu đi một vòng quanh đồi cò rậm rạp. Để đi hết khu đồi rộng gần chục ha, phải mất cả tiếng đồng hồ.
Nhiều lần, bà đạp cả vào lưng con rắn to bằng bắp tay, nhưng không hiểu bà cao số thế nào mà chúng đều bỏ chạy chứ không quay lại cắn bà.
Từ ngày làm mẹ đàn cò, không đêm nào bà ngủ yên giấc. Mỗi khi gặp nguy hiểm, chúng lại “gọi” bà inh ỏi.
Chỉ cần có một con cầy, cáo, mèo nào trèo lên cây, chúng lại náo loạn cả lên. Mỗi khi đồi cò râm ran tiếng “coọc coọc”, bất kể lúc nào, bà Khiêm lại trở dậy mò vào rừng xua đuổi cáo.
Đồi cò của bà rậm rạp, lại lắm “thức ăn”, nên bọn cầy kéo đến trú ngụ rất đông, chúng đào hang chi chít dưới các gốc tre, hốc đá. Đêm nào bà cũng phải lên đồi đuổi chúng để cò được yên giấc.
Mỗi năm, đều có vài lần bà Khiêm tóm được bọn trộm cò. Bọn trộm chỉ cần một cái móc sắt gắn vào cán dài, giật một lúc có thể cả trăm chú cò gãy cánh rơi xuống.
Thậm chí, chúng chỉ cần rung mạnh những cây tre có nhiều cò đậu, lập tức, những chú cò đang say giấc nồng rơi lả tả xuống đất. Trứng cò cũng vỡ trắng dưới chân đám trộm.
Bọn trộm thường “tác nghiệp” rất nhanh lẹ. Khi bầy cò thức giấc, “kêu cứu”, khi bà Khiêm xiêu vẹo chạy ra đến nơi, thì chúng đã chuồn mất dạng rồi.
Nhiều tên trộm tức tối đã chĩa súng vào đầu bà đe dọa, vậy mà bà không hề sợ, sau đó vạch mặt, tố cáo chúng với lãnh đạo thôn, lãnh đạo xã.
Đêm nào bà Khiêm cũng đi dạo một vòng quanh đồi cò trước khi đi ngủ.
|
Có lần, khi bà Khiêm đang cấy lúa phía ngoài đê sông Lô, có đến 8 tên vác súng xông vào vườn cò.
Giữa ban ngày mà thấy cò bay lên nháo nhào, kêu thảm thiết, biết ngay là có chuyện, bà liền bỏ ruộng chạy về.
Hôm đó, hàng xóm thấy bóng bà liêu xiêu giữa cánh đồng, cứ ngã dúi ngã dụi.
Bà lao vào những tên trộm lăm lăm súng ống trong tay mà cấu xé. Bà lăn ra đất khóc nức nở. Cò con chết lăn lóc khắp nơi, trứng vỡ trắng cả mặt đất.
Đám săn cò này dùng súng hoa cải, mỗi phát đạn nhồi đến 300 viên bằng hạt gạo, hạt đỗ. Một tiếng súng nổ, cả chục cò bị hạ thủ. Khi đàn cò bay lên trời, những kẻ khác cứ hướng nòng súng lên trời nhắm mắt bắn cũng khiến cò rơi lả tả.
Có một câu chuyện cảm động mà người dân thôn Dừa Lẽ kể cho tôi nghe về tình cảm của bà với bầy cò.
Cách đây 3 năm, giữa đêm khuya, có cơn lốc kèm mưa lớn tràn qua đồi Trầm Sai, khiến rừng cây nghiêng ngả.
(Ảnh: giadinh.net).
|
Cả đêm hôm ấy bà Khiêm vật lộn với gió, với mưa để gom những thân cò, thân vạc bị gió quật rơi xuống đất đem về nhà chăm sóc. Đêm ấy bà không ngủ, bà như người điên vì "mất con" quá nhiều.
Đến khi trời sáng, khi những trận mưa xối xả kết thúc, cũng là lúc bà Khiêm gom được cả đống xác cò. Trứng cò vỡ vung vãi trắng mặt đồi. Rừng tre xơ xác. Bà Khiêm ngồi thượt ra đất, nước mắt chảy dài.
10 tỷ đồng không bán
Một lần, có người lạ mặt giới thiệu là nhân viên kinh doanh du lịch, xin được đi thăm đồi cò của bà.
Sau khi đi thăm đồi cò một vòng, ngó nhìn gian nhà rách với 5 đứa cháu nheo nhóc của bà Khiêm, anh ta bàn với bà rằng sẽ mua cò với giá 80 ngàn đồng/kg. Mỗi tuần anh ta sẽ cho người lên tận nơi bắt khoảng 20kg.
Anh ta giải thích rằng, nếu bắt như thế thì chẳng ảnh hưởng gì vì số lượng cò ở đồi Trầm Sai quá lớn.
Thế nhưng, bà Khiêm thẳng thắn: “Tôi nghèo khó, đói rách thật, song tôi đi cày cuốc kiếm ăn chứ tôi không nhẫn tâm ăn thịt cò”.
Thuyết phục mãi không được, người đàn ông lạ mặt kia đành phải bỏ về.
Trước khi về, anh ta cũng kể thật rằng anh ta là chủ đồi cò ở tận Ba Vì (Hà Nội).
Anh ta mở du lịch vào đồi cò, song lại bắt cò làm đủ món phục vụ khách tham quan thưởng thức.
Giờ cò bay đi hết, khách du lịch cũng không về nữa, nên anh ta phải lên đây gạ bà Khiêm bán cò cho anh ta mang về đó làm thịt.
Anh ta bảo: “Bà có giữ cò thì cũng chẳng có ai quan tâm đâu”. Bà Khiêm nói thẳng: “Tôi không quan tâm ai nghĩ sao, tôi chăm chúng cũng như chăm con mình, mà nuôi con mình thì có ai lại đòi hỏi trách nhiệm của người khác”.
Những năm gần đây, khi thú chơi trang trại bùng phát, có khá nhiều đại gia phóng ô tô lên tận thôn Dừa Lẽ tìm đất.
Quả đồi Trầm Sai um tùm cây cổ thụ, nằm bên dòng sông Lô, lại có đàn cò sớm bay đi kiếm ăn, chiều bay về trú ngụ, tạo nên phong cảnh rất hữu tình, khiến các đại gia đều "mê tít".
Nhiều đại gia đã trả vài tỷ bạc cho ngọn đồi gồm cả đàn cò, song bà Khiêm đều từ chối.
Đời bà chả bao giờ nhìn thấy tiền triệu, chứ nói gì đến tiền tỷ. Bà nhọc nhằn cả đời nuôi 5 đứa cháu nội khi bố chúng chết vì tai nạn giao thông, mẹ chúng bỏ đi theo người đàn ông khác.
Với vài tỷ đồng, bà có thể an nhàn hưởng tuổi già, đủ lo cho các cháu tương lai. Nhưng bà không bán đồi, bởi nhỡ đồi cò rơi vào mấy tay bợm nhậu, hàng vạn thân cò sẽ ra sao? Thế là bà từ chối.
Bà Khiêm bảo, nếu không phải vì cò, thì cứ 5 năm, bà lại thu được 200 đến 300 triệu đồng tiền bán gỗ, đủ cho bà và các cháu sống thoải mái. Đất còn đó, tiền vẫn thu đều đặn, đâu phải bán đi làm gì.
Năm trước, có một chiếc ô tô rất đẹp đỗ ở chân đồi Trầm Sai. Người đi chiếc ô tô sang trọng đó là một giáo sư chuyên nghiên cứu về môi trường.
Sau khi nghe bà Khiêm phát biểu trong một hội thảo của tổ chức nước ngoài về môi trường ở Hà Nội, vị giáo sư này đã tìm lên tận nơi để chiêm ngưỡng đồi cò.
Sau một buổi lang thang trong đồi Trầm Sai, vị giáo sư này bảo: “Bà bán đồi cò cho tôi đi, tôi sẽ chăm sóc chúng chuyên nghiệp hơn. Hoặc nếu thích, tôi sẽ đổi căn biệt thự dưới Hà Nội cho bà”.
Bà Khiêm nghĩ vị giáo sư này nói đùa, liền bảo: “Nếu ông trả 10 tỷ đồng thì tôi bán”. Vị giáo sư trầm ngâm một lát rồi chào bà Khiêm ra về. Bà Khiêm cũng quên luôn chuyện này.
Theo lời kể của vị giáo sư nọ thì vợ ông ta hiện sống ở Ấn Độ, đang điều hành một tổng công ty lớn, mấy người con cũng ở bên Úc và bên Anh cả, chỉ có mỗi mình ông sống ở Việt Nam.
Không ngờ, một tháng sau, vị giáo sư nọ lại mò lên gặp bà Khiêm bảo: “Tôi quyết định mua đồi cò của bà rồi. Bà bàn bạc với con cháu đi nhé, rồi trả lời tôi. Bà bán cho tôi, tôi hứa sẽ xây tường bảo vệ, tạo điều kiện tốt nhất cho chúng”.
Sau đó 10 ngày, vị giáo sư nọ lại tìm lên. Nhưng quyết định của người mẹ già cả đời đói rách này là từ chối 10 tỷ đồng.
Bà Khiêm bảo: “Trong hoàn cảnh phải "tranh cãi" với ý nghĩ bán hay không bán đồi cò, tôi mới nhận ra rằng, cuộc đời tôi chỉ có ý nghĩa khi có lũ cò ở bên cạnh!”.
Đó là chiêm nghiệm mà người mẹ già này rút ra khi cả đời bà dành cho việc chăm sóc chim trời.
Nhận xét
Đăng nhận xét