Sau khi tốt nghiệp, các tân cử nhân sẽ ngập ngừng trước nhiều cánh cửa sự nghiệp: làm công hay khởi nghiệp và làm chủ, doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân, công ty Việt Nam, công ty nước ngoài hay tập đoàn toàn cầu… Đây là một bài viết dành cho các bạn trẻ đang băn khoăn với câu hỏi: Tạo dựng sự nghiệp, nên bắt đầu từ đâu?
1. Bạn cần có mục tiêu và đam mê
Dù là bạn lựa chọn hướng đi nào, thì bạn nên xác định niềm đam mê cho mình và có mục tiêu rõ ràng. Đam mê và mục tiêu phải được xây dựng dựa trên hiểu biết của bạn về điểm mạnh, điểm yếu, ước mơ, khát vọng, và giá trị cốt lõi của chính bạn. Một khi đã có mục tiêu, được làm việc và sống với đam mê của mình, bạn sẽ được tiếp sức mạnh và cảm hứng để hoàn thành những công việc thách thức nhất.
2. Học ra học, chơi ra chơi
Học là cực kì quan trọng, thật sự quan trọng và cần thiết để tạo dựng được một nền tảng kiến thức vững chắc cho sự nghiệp. Ai cũng biết được tầm quan trọng của kiến thức, nhưng không phải ai cũng sẵn sàng dành toàn tâm, toàn ý cho việc học khi có cơ hội học tập và trau dồi kiến thức.
Để thực sự thu được nhiều giá trị từ các cơ hội học tập, chúng ta cần phải biết kiểm soát danh sách ưu tiên của mình theo thời điểm. Việc tranh thủ học thêm vào các buổi tối sau giờ làm việc, hay những ngày nghỉ cuối tuần… đúng là không phải một việc dễ dàng, nhất là với những người vướng bận công việc và gia đình. Thậm chí, ngay cả lựa chọn đi du học nước ngoài cũng đòi hỏi nhiều cân nhắc, và tính toán kỹ lưỡng. Tuy nhiên, nếu chúng ta biết xắp xếp ưu tiên cho mục tiêu học tập tại những thời điểm thích hợp, thì chỉ sau 1-2 năm tập trung, chuyên sâu…bạn có thể trở thành những người tự tin, thực sự có tài và sẽ đạt được những thành công xứng đáng.
3. Sẵn sàng để nắm bắt tất cả các cơ hội
Thật tiếc, nếu cơ hội đến mà bạn lại chưa sẵn sàng. Bởi vì có những cơ hội mà không phải ai cũng có được. Hãy tưởng tượng, một ngày, bạn được giới thiệu đến một vị trí quản lý đáng mơ ước, nhưng bạn lại thiếu một điều kiện tiên quyết, đó là tấm bằng MBA, Thạc sỹ chuyên ngành, chứng chỉ nghề, chứng chỉ ngoại ngữ… Vậy nên, việc không ngừng học tập và trau dồi kiến thức để vươn tới những đỉnh cao mới là hết sức quan trọng.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên sẵn sàng đương đầu với những thách thức, đảm nhận và cố gắng hoàn thành những công việc khó khăn… để tích lũy được những kinh nghiệm và kỹ năng cần thiết. Khi cơ hội đến bạn hãy nắm bắt cơ hội với quyết tâm và hoãi bão để vươn tới thành công.
4. Biết kết nối và xây dựng mạng lưới
Chỉ số kỹ năng tạo dựng quan hệ (Networking IQ) – kỹ năng mềm quan trọng nhất chiếm tới 75% khả năng thành công của một người làm việc chuyên nghiệp nhưng chưa được nhiều người Việt Nam chú trọng đúng mức. Bạn hãy biết cách hòa mình vào với những cộng đồng xung quanh mình… Trong những những cộng đồng học tập và nghề nghiệp, sự đa dạng về ngành, nghề, vị trí công việc… thậm chí cả tính cách, cá tính của các thành viên chắc chắc sẽ mang lại những cơ hội học hỏi, hợp tác và chia sẻ thực sự giá trị cho con đường gây dựng sự nghiệp của bạn.
5. Tinh thần đội nhóm, kỹ năng làm việc nhóm
Đây là một nét văn hóa mới nơi công sở, mang giá trị gắn kết các cá nhân rất cao. Trong môi trường làm việc tập thể, mọi cá nhân cần hiểu và tin rằng việc tư duy, lập kế hoạch, quyết định và hành động sẽ được thực hiện tốt hơn khi tất cả cùng hợp tác. Người ta nhận ra, hiểu rõ, và tin rằng: “Không một ai trong chúng ta có thể giỏi bằng tất cả chúng ta hợp lại”.
Hãy luôn sẵn lòng tham gia và cống hiến nhiệt tình vào các công việc chung của nhóm, tại lớp học, nơi làm việc, hoặc một câu lạc bộ hoạt động cộng đồng với tinh thần đội nhóm cao nhất. Hoạt động nhóm không chỉ giúp chúng ta hoàn thành công việc nhanh hơn, mang lại giá trị lớn hơn… mà còn mang lại những trải nghiệm sâu sắc về bản thân và môi trường xung quanh.
6. Thành công chỉ đến khi đã tích lũy đủ về lượng
Vạn sự khởi đầu nan, những bước chân đầu tiên bao giờ cũng khó khăn nhất. Tuy nhiên, chúng ta cần phải mạnh dạn dẫn bước, sẵn sàng đối diện với những thách thức, đôi khi là thất bại. Thành công không đến một cách ngẫu nhiên, mà đó là thành quả tạo nên bởi những nỗ lực, cố gắng và cam kết phát triển bản thân của mỗi người. Tham gia lớp học vào dịp cuối tuần, đọc sách thay vì chơi game, đầu tư vào các mối quan hệ, gia tăng các trải nghiệm quốc tế đa văn hóa, rèn luyện kỹ năng quản trị bản thân, trau dồi kỹ năng lãnh đạo… Đó là những việc bạn nên làm để tích lũy cho tương lai.
Tướng quân Mac Arthur từng nói: “Với quân nhân, tiếng kèn triệu tập quân sĩ ngoài chiến trường chính là một cơ hội. Tuy nhiên, tiếng kèn hiệu lanh lảnh đó không khiến quân sĩ trở nên dũng mãnh hay giúp họ thắng trận; để có thể nắm bắt cơ hội, họ phải dựa vào chính mình”. Thứ thúc đẩy ta nắm lấy cơ hội và đi tới thành công chính là cá tính và năng lực cá nhân của ta.
7. Tư duy vượt lên trên bầu trời
Xây dựng một tầm nhìn phát triển cho bản thân là việc ai cũng nên làm. Tầm nhìn ấy có thể vượt qua mọi ranh giới và rào cản. Tri thức và hiểu biết sẽ khai mở tiềm năng sáng tạo và phát triển khiến chúng ta có thể trở thành những người tiên phong trong lĩnh vực của mình. Hãy liên tục cập nhật những hệ tư duy và cách tiếp cận mới. Hãy sẵn sàng tiếp thu những quan điểm mới với góc nhìn đa chiều và lăng kính thông thái.
Dù bạn đang hoạt động trong ngành nào, ở cấp bậc gì … thì bạn cũng sẽ có thể đóng góp cho cộng đồng nhiều giá trị vượt trội, tạo dựng nên thành công bền vững cho bản thân, gia đình và xã hội.
Chúc các bạn một khởi đầu thành công!
Xem thêm bài viết 10 bí quyết giúp bạn lạc quan trong nghề nghiệp
Theo cfvg.org
Nhận xét
Đăng nhận xét