Nhìn chồng con sì sụp ăn, tôi thấy trong lòng sung sướng lạ. Tôi chợt nghĩ, thật ra, món ăn ngon không chỉ vì nó ngon mà còn vì tấm lòng của người nấu và vì cái cách mà người được phục vụ thụ hưởng nó...
Cá rô đồng thịt rất dai, chắc và thơm...
Cuối tuần, mấy thằng lính kéo nhau đi câu cá tuốt ngoài Bình Chánh. Xế chiều tụi nó tấp ngang thảy cho tôi mấy con cá rô đồng “chiến lợi phẩm”. Nhìn mấy con cá giãy đành đạch dưới đất, tôi la lên: “Thôi, đem về cho vợ con đi, chị mới đi chợ hồi sáng, nhà còn đồ ăn”. Một thằng nhăn răng cười: “Em đem cái của nợ này về, chẳng những không được thưởng mà có khi còn bị ăn đòn. Vợ em có biết mần cá đâu?”. Thế nó tưởng tôi biết à? Bây giờ cái gì cũng làm sẵn. Mua về là bỏ vô nồi nấu nướng, gọn hơ! Thuở đời nay có thấy ai đi chợ mà xách con cá còn nhảy đành đạch về không?
Nói cách mấy thằng lính cũng không nghe, tôi đành phải mang cá bỏ vô thau nước “rộng” lại. Thật tình là thấy cái vây cá giương lên tua tủa, tôi rất sợ. Hồi nhỏ ở quê, có mấy loại cá mà tôi rất ớn, trong đó đứng đầu là cá rô, cá trê, cá ngát, cá chốt. Chẳng biết vì sao hồi nhỏ, lần nào làm cá, tôi cũng bị vây cá đâm năm bảy nhát; có khi bị cương lên, đau nhức mấy ngày. Đó là ở quê có chỗ rộng rãi, có dao yếm để chặt vây, đánh vảy. Còn ở đây, dao chỉ để xắt và gọt chớ có dao nào để chặt đâu?
Tôi nghĩ mãi mà vẫn chưa tìm ra cách gì để “xử trí” mấy con cá. Thật tình mà nói thì cá rô có thể làm được rất nhiều món: Kho tộ, nấu canh chua, chiên giòn dầm nước mắm gừng, nấu cháo đậu xanh, nấu bún cá rô, sốt me... Mấy món ấy, thỉnh thoảng tôi vẫn làm cho chồng con ăn. Nhưng đó là khi cá đã được làm sạch sẽ...
Còn bây giờ, nhìn lũ cá bơi đi, bơi lại trong thau, tôi thấy buồn não nuột. Nhưng tôi nghĩ đến mấy thằng lính của mình. Công tình chúng nó ngồi cả mấy tiếng đồng hồ mới câu được, nó quý mới đem cho mình, không lẽ mình lại đi cho người khác thì kỳ quá. Giá mà ở dưới quê, tôi chỉ cần móc mấy cục đất sét lên bọc lại rồi đốt rơm nướng là xong ngay.
Nghĩ đến đây, tôi bỗng nhớ đám bạn chăn trâu hồi bé. Tụi nó hay thật. Bắt được con gì cũng bọc đất sét nướng rồi chấm muối ớt. Đơn giản vậy thôi mà ngon đến ám ảnh tâm hồn những đứa con xa xứ...
“Mẹ ơi, mẹ làm gì mà ngồi thừ người ra vậy”- cô con gái út cắt ngang dòng hồi tưởng của tôi. Tôi nhăn nhó nhìn con: “Mẹ đang nghĩ cách xử trí mấy con cá này. Làm gì ăn bây giờ con?”. Con gái tôi nghe mẹ hỏi thì phì cười: “Mẹ là đầu bếp mà sao lại hỏi con? Mẹ làm gì ăn cũng ngon mà”. Nói rồi nó bỏ vô nhà.
Bí quá, tôi quyết định bỏ mấy con cá vô lò nướng là xong. Nhưng khó khăn lại phát sinh. Làm sao mà bỏ mấy con cá này vô nướng được? Chúng sẽ quậy banh cái lò nướng luôn. Phải làm cho cho tụi nó chết cái đã.
Tôi chắt hết nước ra rồi lấy một nắm muối bỏ vô thau, sau đó tôi lấy cái nắp vung đậy lại rồi lắc đều. Chẳng mấy chốc, mấy con cá đã im re. Tôi hé nắp vung xem thử thì thấy chúng nằm ngay đơ. Nghĩ là chúng chết rồi, tôi đem đi rửa. Trời ạ, vừa sạch muối là tụi nó lại quẫy đạp tưng bừng. Tôi lại hốt muối bỏ vào. Lần này thì tôi chờ đủ lâu nhưng lũ cá vẫn chưa chết hẳn.
Vậy là cái kế hoạch cho tất tần tật vô lò nướng phá sản.
Nhìn mấy con cá mập ú nằm ườn trong thau, tôi lại nảy ra “sáng kiến” khác. Vậy là tôi chạy lấy cái nồi gang bắc lên bếp, đổ một chén muối hột vô rang cho khô, sau đó tôi bỏ mấy chú cá rô đang nằm thoi thóp vào rồi đậy nắp lại, một tay giữ chặt cái nắp nồi. Sau một hồi quậy tưng, mấy con cá nằm im re. Tôi chắc là tụi nó đã “tắt thở” nên mở vung ra nhìn.
Sau một hồi quẫy đạp, toàn thân mấy chú cá đã được phủ một lớp muối trắng xóa. Tôi gọi con gái, đưa cho nó cái “toa” với chuối khế, rau sống, bún, bánh tráng... “Chiều nay mình lại ăn đặc sản hả mẹ?”- con gái tôi tủm tỉm cười. Biết con trêu mình, tôi gật gù: “Ừ, chiều nay nhà hàng mẹ phục vụ món cá rô mề rang muối. Ăn được thì khen, còn không được thì cấm có chê đó”. Cô con gái cười hắc hắc rồi đạp xe đi chợ. Nó biết chắc là lát nữa, mẹ sẽ ưu tiên cho nó cái miếng thịt ngon nhất ở lưng đó mà.
Ông xã đi chơi cầu lông về kêu đói ầm ĩ. Tôi chỉ chén mắm nêm: “Chỉ có vậy thôi hà. Anh chịu khó ăn đỡ, chiều nay em bận không kịp làm đồ ăn”. Ông xã tôi cất vợt đi tắm. Khi anh quay ra thì trên bàn đã dọn sẵn một đĩa rau sống to đùng đặt cạnh chén mắm. Rồi bánh tráng, bún... được mang ra. Thấy tôi lui cui rót rượu thuốc, ông xã tôi chép miệng: “Ăn chay mà uống rượu này vô chắc nó phá banh cái bao tử anh quá! Phải chi có miếng thịt luộc hay con cá nướng thì hay quá!’. Đến lúc đó, con gái tôi mới bê đĩa mồi ra đặt xuống bàn rồi nheo mắt nhìn ba: “Cầu được ước thấy nè ba. Nhớ để dành cho con miếng nạc lưng nghen”.
Nhìn sáu con cá rô vàng ươm, tươm mỡ xếp đầy trong đĩa, ông xã tôi cúi xuống hít một hơi thật dài rồi nuốt “ực” một cái: “Bà xã muôn năm!”. Tôi phổng mũi: “Em không biết làm gì nên làm đại. Không biết ăn ra sao nhưng nhìn thấy cũng được...”.
Tôi ngồi tẩn mẩn gỡ xương cho mấy cha con ăn. Sau lớp vảy vàng là phần nạc cá trắng phau. Cá rô đồng thịt rất dai, chắc và thơm chứ không bở và tanh như cá nuôi. Bỏ miếng cá vô miệng, nhai thật chậm sẽ cảm nhận được cái vị ngon ngọt nguyên thủy của thịt cá; nếu cuốn bánh tráng, rau sống rồi chấm mắm nêm thì lại là một thứ mùi vị tổng hợp của chua, cay, mặn, ngọt, béo bùi... Con bé nhà tôi thường ngày rất sợ hóc xương nên chỉ ăn phần lưng của con cá nhưng hôm nay lại sục sạo đến từng miếng thịt cá còn sót ở sống lưng, dưới lườn cá...
Nhìn chồng con sì sụp ăn, tôi thấy trong lòng sung sướng lạ. Bất giác tôi nghĩ, thật ra, món ăn ngon không chỉ vì nó ngon mà còn vì tấm lòng của người nấu và vì cái cách mà người được phục vụ thụ hưởng nó... Tôi biết mình sẽ phải nuôi dưỡng đến suốt đời niềm đam mê vào bếp bởi câu nói phỉnh phờ của chồng: “Bà xã muôn năm!”.
Theo NLĐ
https://baobinhduong.vn/chi-co-vay-thoi-ha--a89135.html
Nhận xét
Đăng nhận xét