Đã đọc truyện Cổ Long, ít ai không biết đến Tiểu Lý Phi Đao. Mà đã đọc Tiểu Lý Phi Đao, thì hẳn nhiên sẽ nhớ đến Binh Khí Phổ. Thế nhưng, những bí mật về quyển “tạp chí Forbes giang hồ” ấy, thì lại hiếm ai nắm rõ.
Có một điểm chung giữa tiểu thuyết của Kim Dung và Cổ Long, đó là khái niệm về những bậc cao thủ chân chính. Với Kim Dung, nó được thể hiện qua câu nói của Độc Cô Cầu Bại: “Sau bốn mươi tuổi, không mang binh khí. Thảo mộc trúc thạch đều có thể dùng làm kiếm”. Còn với Cổ Long, tư tưởng ấy được thể hiện xuyên suốt qua các câu văn của ông, đặc biệt là trong tuyệt tác Tiểu Lý Phi Đao, khi mà một cây tiểu đao dùng để khắc gỗ, lại là thứ vũ khí đáng sợ bậc nhất giang hồ.
Cũng chính vì thế, mà Binh Khí Phổ mới có thể được ví như một cuốn “tạp chí Forbes” trong thế giới của Cổ Long, khi đã xếp hạng được những món binh khí bậc nhất, kỳ thực cũng chính là bảng xếp hạng của những cao thủ bậc nhất giang hồ. Bởi vì, cao thủ chân chính không bao giờ phụ thuộc vào chất lượng của binh khí. Binh khí trở nên đáng sợ, bởi vì chúng nằm trong tay họ.
Binh Khí Phổ có vị thế như vậy, ấy thế mà Cổ Long Cổ đại hiệp lại chưa từng kể rõ tên của 72 cao thủ được ghi trong cuốn phổ ấy (và con số 72 này hẳn cũng hiếm người đọc nào nhớ nổi, bởi chỉ được nhắc sơ qua), thậm chí đến cả “Top 10” của nó cũng chưa từng được kể ra một cách rõ ràng.
Điều này hẳn nhiên đã để lại cho những người hâm mộ Cổ Long một chút gì đó tiếc nuối. Tuy nhiên, những bậc cao thủ trên Binh Khí Phổ không vì thế mà trở nên mờ nhạt. Hôm nay, chúng tôi xin được chia sẻ cũng “chư vị đồng đạo” một vài quan điểm và kiến thức về “Top 5” của bảng xếp hạng này:
1. Thiên Cơ Bổng của Thiên Cơ Lão Nhân
Người giang hồ không ai không biết tới cây Thiên Cơ Bổng của Thiên Cơ Lão Nhân, bởi vì nó là thứ vũ khí vô địch trong Binh Khí Phổ. Còn tại sao cây bổng tầm thường ấy lại được xếp vào hàng “vô địch”? Ấy là bởi vì người cầm nó là “vô địch”, cũng như cây phi đao của Tiểu Lý Thám Hoa vậy.
Thiên Cơ Lão Nhân một đời hành sự chính phái, đã hạ gục không biết bao nhiêu những kẻ gian tà. Thế nhưng, kẻ địch lớn nhất mà ông từng gặp phải, có lẽ là Thượng Quan Kim Hồng.
Trận chiến ấy của 2 người, không hề có cảnh va chạm giữa đao quang kiếm ảnh, cũng không có những chiêu thức hoa lệ. Một người châm thuốc, một người hút, nhưng cái khí thế của họ đã khóa chặt lấy nhau. Đó, chính là sự giao đấu vô hình giữa các bậc cao thủ.
Kết quả? Thượng Quan Kim Hồng bại, và Thiên Cơ Lão Nhân vẫn ngồi vững vàng trên ngôi vị đứng đầu của Binh Khí Phổ.
2. Long Phụng Song Hoàn của Thượng Quan Kim Hồng
Thượng Quan Kim Hồng, người sáng lập lên Kim Tiền Bang uy chấn thiên hạ, ông vua không ngai của chốn giang hồ, không chỉ là một con người hùng tài đại lược, mà còn sở hữu một thân võ công phi phàm.
Vũ khí của y là một đôi song hoàn, Long Phụng Song Hoàn, chỉ xếp dưới Thiên Cơ Bổng của Thiên Cơ Lão Nhân một bậc. Đó là thứ vũ khí bá đạo, hiểm độc, nhưng lại được luyện đến mức “ổn định” bởi tay Thượng Quan Kim Hồng.
Lý Tầm Hoan đã từng nói: “Có thể đem thứ binh khí thật tuyệt, thật hiểm luyện đến mức “ổn”, trong võ học người ta cho rằng đã nhập vào cảnh giới vô thực vô hư. Đó là chỗ mà không ai có thể bì kịp Thượng Quan Kim Hồng”.
Bởi thế, ngay cả đến Thiên Cơ Lão Nhân, tuy được xếp cao hơn, nhưng cũng không bao giờ dám thả lỏng khi phải đối diện với họ Thượng Quan.
3. Tiểu Lý Phi Đao của Lý Tầm Hoan
Tiểu Lý Phi Đao chỉ được xếp thứ 3 trong Binh Khí Phổ, nhưng nếu có thứ vũ khí nào xứng đáng là thứ vũ khí đáng sợ nhất trên chốn giang hồ, thì đó cũng chính là Tiểu Lý Phi Đao.
Người ta nói rằng, cây đao ấy chỉ đáng sợ khi còn đang nằm trên tay của Lý Tầm Hoan, bởi vì, một khi nó đã được phóng ra, thì chẳng còn ai biết sợ nữa. Kẻ đã chết không biết sợ.
Đáng sợ đến thế, vậy tại sao nó lại chỉ được xếp thứ 3? Bởi vì Bách Hiểu Sinh, người viết ra Binh Khí Phổ, cũng chỉ là một con người. Và đã là người, thì sẽ luôn mắc những sai lầm.
Để viết lên Binh Khí Phổ, Bách Hiểu Sinh đã tự mình nếm trải hết thảy những thứ binh khí trên chốn giang hồ, chỉ ngoại trừ Tiểu Lý Phi Đao. Bởi vì, những kẻ đối diện với cây đao ấy, đều đã chết.
Bản thân Bách Hiểu Sinh, cũng phải đến giây phút cuối đời mới được chứng kiến cây đao ấy, khi nó ghim vào cổ họng của chính mình.
4. Tung Dương Thiết Kiếm của Quách Tung Dương
Mặc dù chỉ được xếp vào hàng thứ 4 trong Binh Khí Phổ, nhưng Tung Dương Thiết Kiếm vẫn luôn được xem là một huyền thoại trong chốn võ lâm. Đó, là một thanh kiếm đại diện cho mọi thanh kiếm, ngay khẳng, khôi hoành, chính khí lẫm liệt. Thứ vũ khí của bậc quân tử chân chính.
Chủ nhân của thanh kiếm ấy là Quách Tung Dương, gia chủ của Quách Gia, một gia tộc danh giá về kiếm pháp, và đồng thời cũng là khởi nguyên của Trọng Kiếm Môn. Cuộc đời ông là một huyền thoại, về nhân cách ngay thẳng, về kiếm thuật cao siêu, và về sự rèn luyện không ngừng để tìm kiếm đỉnh cao.
Trong suốt cả cuộc đời, Quách Tung Dương chỉ nhận thua một lần, đó là trước Lý Tầm Hoan, bởi vì nhân cách của chàng lãng tử họ Lý. Về phần mình, Tiểu Lý Phi Đao cũng tỏ ra vô cùng khâm phục Tung Dương Thiết Kiếm, vì chàng biết, con người ấy, là một kiếm thủ chân chính.
5. Ôn Hầu Ngân Kích của Lữ Phụng Tiên
Lữ Bố Lữ Phụng Tiên được coi là võ tướng vĩ đại nhất trong lịch sử chiến tranh trung quốc. Chỉ với một cây Phương Thiên Họa Kích, Lữ Bố tung hoành giữa chốn sa trường, vạn người nan địch. Ôn Hầu Ngân Kích Lữ Phụng Tiên, được ví như một Lữ Bố của chốn võ lâm.
Lữ Bố dũng mãnh ra sao, Ôn Hầu Ngân Kích cũng dũng mãnh như vậy. Lữ Bố phản đội lại cha nuôi của mình là Đổng Trác bởi sự ôn nhu của Điêu Thuyền, thì Lữ Phụng Tiên cũng phản bội lại cây Ôn Hầu Ngân Kích của mình bởi sự mê hoặc của Lâm Tiên Nhi.
Lữ Phụng Tiên đã từ bỏ dùng kích, để tu luyện chính đôi “thiết thủ” của bản thân mình, và biến nó trở thành một thứ vũ khí còn nguy hiểm hơn cây kích khi xưa. Lữ Bố chưa bao giờ biết chịu thua, Lữ Phụng Tiên cũng vậy. Hắn không bao giờ thỏa mãn với vị trí thứ 5 của mình.
Theo GameK
Đọc thêm tại: http://www.vietgiaitri.com/game/game-online/2013/03/diem-mat-5-ke-manh-nhat-trong-tieu-thuyet-co-long/#ixzz32YUrkRFA
Nhận xét
Đăng nhận xét