Sau khi những ánh nắng cuối cùng tắt, những người lao động ấy lại bắt đầu cuộc hành trìnhmưu sinh nơi gầm cầu, bãi rác, ngoài đường, trên những con đường quen thuộc hằng ngày của mình.
Gần 10 năm nay, con phố cổ đã trở thành con đường quen thuộc của chị Ngát (47 tuổi, Nam Định), hàng tối chị đem từng thúng xôi đi bán dạo trên chiếc xe đạp cọc cạch. Chị tâm sự:"Công việc này vất vả lắm, khi nào thành phố lên đèn là tôi lại tay xe, tay thúng rong ruổi đi bán. Ngày nào lạnh bán còn nhanh, chứ những ngày nóng như thế này, xôi bán chậm lắm".
Nhưng chậm thì chậm, cái gánh xôi đỗ đen bé nhỏ ấy nuôi cả 5 miệng ăn ở nhà chị. Chị bảo, chồng chị sức khỏe yếu, trước anh còn cấy ruộng giờ chẳng làm được gì, ngoài hai con, chị còn phải chăm sóc bố mẹ chồng già yếu. Vì thế dù trời đẹp hay mưa, chị vẫn ngày ngày đi bán xôi.
Gánh xôi bé nhỏ nuôi cả một gia đình
Miệt mài mưu sinh dù trời có đổ mưa
Một trường hợp khác, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm lượm từng mảnh nhựa, vỏ chai đến khi chiếc xe đạp không còn chỗ chất, chị Lụa (trọ ở Lĩnh Nam) mới trở về nhà phân loại từng thứ ra để sáng mai đem bán. Công việc của chị bắt đầu từ 7 giờ - cái giờ mà theo chị mọi người vừa đổ rác, chị lại cắm cúi đi nhặt, chị bảo, lúc nào nhặt được cả xấp giấy, cả túi toàn vỏ chai nhựa, chị mừng lắm. Công việc của chị bắt đầu từ 7 giờ tối đến 8 giờ sáng hôm sau. Chị tâm sự: "Cái nghề này cực lắm". Khái niệm một giấc ngủ ngon chị chẳng bao giờ nghĩ đến, bởi trong suy nghĩ của chị, giấc ngủ của bản thân không quan trọng bằng việc kiếm đủ viện phí cho mẹ đang nằm trong viện ở quê, nuôi hai con nhỏ. Quê chị ở Vĩnh Phúc, "Chắc tôi sẽ ở nhà cấy ruộng dè dặt vẫn đủ ăn qua ngày nếu như bố tụi trẻ không bỏ đi theo "tiếng gọi tình yêu". Giờ mình tôi phải nuôi cả gia đình, cha mẹ già yếu bệnh tật", chị tâm sự. Làm bạn với những bãi rác, quần quật làm lụng để rồi chị mơ ước có ngày dành trọn thời gian cho con.
Cả một tối đạp xe khắp hang cùng với đống đồ chất cao, sáng hôm sau người phụ nữ ấy mừng rạng rỡ khi bán được gần 100.000 đồng.
Chị cứ hàng ngày đi nhặt rác để kiếm tiền nuôi cả gia đình
Chiều nào cũng vậy, chị Cúc lại xách đồ (bimbim, hạt hướng dương, bỏng ngô) đi bán dạo trên các phố trung tâm
Bán quần áo dạo sợ nhất trời mưa, có những lúc chạy không kịp, trời mưa to làm đồ bị ướt hết. Nhiều lúc chị Hà (Cao Bằng) lại khóc rưng rức vì "làm sao mà bán được chỗ đồ này"
Không chỉ những người trẻ mà ngay cả những cụ già cũng lặng lẽ mưu sinh khi màn đêm buông xuống
Có những lúc bội thu khi nhặt được nhiều đồ phế liệu song cũng có những lúc tìm cả tối, không có cái gì
"Ai mua bánh mỳ nóng giòn không?", tiếng rao lanh lảnh của chị chìm nghỉm vào làn mưa giăng
Chiều tối, bác Tư lại rong ruổi trên chiếc "chiến cơ" của mình để mưu sinh
"Nếu ngày nào trời mưa, tôi đông khách hơn hẳn đấy", bác tươi cười nói
Tối đến, hàng nước mát của nhà chị lại bắt đầu rục rịch mở cửa. Chỉ khi mưa to quá mới nghỉ bán còn mưa lất phất thì chị vẫn mở
"Ai mua áo mưa không?"
Chị Hồng hí hửng khi hôm nay nhặt được rất nhiều đồ phế liệu
Dù trời đẹp mát mẻ hay mưa gió, chị vẫn miệt mài mưu sinh
Trong khi mọi người đang quây quần bên gia đình thì các chị lao công lại ra đường làm nhiệm vụ giữ vệ sinh thành phố
Trên những con phố cổ, những quán ăn vỉa hè rất đông người lui tới vì thế mẻ nướng của bác Hùng quạt luôn tay.
Cả buổi tối, chị mong bán được hết sọt hoa quả để về với gia đình
Nhận xét
Đăng nhận xét