Chợ Trà Cổ (thị trấn Tân Phú, huyện Tân Phú, Đồng Nai) sát quốc lộ 20. Đây là khu chợ sầm uất và cũng là nơi mưu sinh của 15 người hành nghề đạp xe chở hàng thuê (còn gọi là xe đạp thồ).
Họ là những người đàn ông từ 50 đến 70 tuổi, ai cũng có thâm niên 25 - 30 năm hành nghề xe thồ. Ông Hoàng Văn Thú (68 tuổi, ngụ xã Gia Canh, huyện Định Quán, Đồng Nai) cho biết, bắt đầu chạy xe đạp chở hàng từ năm 1982. Thời điểm đó, ông mua xe khung ngang hiệu Thống nhất với giá 1 chỉ vàng.
Theo ông Thú, những năm 80 của thế kỷ trước, cả khu chợ có đến 70 người chạy xe đạp thồ. Gần đây, xe ôm chiếm vị thế nên cánh xe đạp lần lượt bỏ nghề. Những người bám trụ đa phần có hoàn cảnh khó khăn, không mua nổi xe máy hoặc không thể làm việc khác mưu sinh.
Tiết trời oi bức, nhiều người phải mang theo nước để giải khát. "Mỗi cuốc hàng chỉ được vài nghìn đồng nên chúng tôi không dám mua nước uống. Nếu đi xa thì mang theo cơm hoặc tranh thủ về nhà ăn", ông Trương Văn Em (50 tuổi) nói. Theo ông, nghề đạp xe thuê giúp ông có sức khỏe, ít khi đau ốm, bệnh tật.
Một thợ thồ "áp tải" 100 kg hàng vượt con dốc vào chợ. Theo ông, chở hàng nặng thì lên hay xuống dốc đều vất vả như nhau. Người thồ hàng không thể ngồi trên xe đạp hay bóp phanh, mà phải xuống ép mình vào khối hàng, tì tay lái để đẩy xe đi.
12h, trời nắng như đổ lửa, nhưng ông Châu Văn Tẩn (65 tuổi) vẫn nhận được điện thoại thuê chở hàng từ một thương lái trong chợ. Cụ ông này cho biết, họ thuê chở 1 tạ gạo đi 2 km với giá 4.000 đồng. Giá chở hàng hay người đều bằng nhau, chỉ 2.000 đồng/km.
Chiếc xe đạp khung ngang được họ gìn giữ từ năm này qua năm khác và luôn đảm bảo "chạy tốt trên từng cây số" . Ông Trương Văn Em (70 tuổi), người có thâm niên 30 năm đạp xe thuê, cho hay: "Sau mỗi ngày làm việc, tôi lại lau chùi chiếc xe, sửa sang ốc vít, khớp trục... Xe tuy cũ, màu sơn phai nhưng rất bền. Nó là 'cần câu cơm' của gia đình".
Theo các thợ thồ, chở người khỏe hơn hàng nhưng họ đang bị cạnh tranh bởi cánh xe ôm. Những người thuê xe đạp chỉ đi trong quãng đường ngắn với giá 1.000 đến 2.000 đồng mỗi cuốc. Đối với những khách quá nghèo, cánh thợ thồ thường chở miễn phí.
Bàn tay già nua, đen sạm và chai sần của một thợ thồ.
Những chiếc xe đạp được chế lại để phù hợp với công việc, chiếc yên có thể tháo rời dành chỗ để chất hàng.
Mỗi ngày, một thợ thồ hàng tại chợ Trà Cổ có thu nhập từ 100.000 đến 150.000 đồng.
Thợ thồ hàng Châu Văn Tẩn kiểm đếm số tiền lẻ ông tích góp được từ gần 30 cuốc trong ngày. Ông cho biết, nghề xe đạp thồ tích góp tiền lẻ đã gắn với ông suốt 30 năm nay. Số tiền do ông kiếm được là nguồn sống của gia đình, nuôi 3 người con ăn học.
Nhận xét
Đăng nhận xét