Nhà có mảnh vườn nho nhỏ trước sân, lâu nay mãi lo công việc mình quên chăm sóc để cỏ dại mọc um tùm. Cả tháng nay gặp trời mưa, thế là các loại dây leo trở mình vươn những chiếc ngọn dài ngoằng đeo bám tùm lum lên mái nhà, có ngọn bò vào tận cửa sổ. Thế là một ngày chủ nhật đẹp trời, tôi quyết định không đi chơi, ở nhà dọn vườn cho sạch sẽ.
Ban đầu, tôi nhổ hết những bụi cỏ dại và những đám dây leo rậm rạp, khoảng sân giờ trông đã sáng sủa hơn. Sau đó, tôi sắp xếp lại vị trí các chậu hoa. Thay giá thể cho mấy giò lan còi cọc. Tỉa bớt những cành nhánh héo khô của cây hoa hồng và cây cúc vạn niên. Xong xuôi đâu đó, tôi đứng ngắm lại mảnh vườn, sực nhớ thiếu thiếu một thứ gì đó. Để tôi nhớ lại từ từ. Hồi xưa, hồi tôi còn bé, trước sân nhà có cây mận quả trắng. Kế bên cậy mận, má đặt một lu nước để mỗi khi đi làm về, ba ra lu múc nước rửa mặt. Sau này, ba mua xi măng về trộn cát tráng lại cái sân để bà nội đi bớt trơn trợt. Chỗ có cây mận, ba xây gạch thành vòng tròn quanh gốc cây như một vành đai để chừa chỗ tưới nước cho cây. Đến khi bà nội mất, ba chặt bỏ cây mận để che rạp làm đám tang cho nội. Sau khi không còn cây mận, do thiếu bóng cây nên má cũng dời lu nước đi chỗ khác. À, tới đây thì tôi nhớ ra rồi. Hồi đó, kế bên lu nước còn có một bụi huệ chuối với những chiếc lá to xanh mướt và những chùm bông màu đỏ rực hoặc vàng tươi do chính tay bà nội trồng. Từ ngày không còn bà nội, không còn lu nước, bụi huệ chuối cũng héo dần và chết khô tự bao giờ.
Nhắc tới đây, bỗng dưng mắt tôi đỏ hoe vì nhớ bà nội. Ngày xưa, bà nội là người gần gũi và thương tôi nhất nhà. Thời đó cuộc sống còn nhiều khó khăn, quanh năm suốt tháng ba má tôi vất vả ngược xuôi đầu đường, góc chợ. Ba tôi làm nghề chạy xe ba gác, còn má thì gánh xôi đi bán dạo. Suốt ngày, tôi chỉ quanh quẩn bên bà nội. Lâu lâu, bà dắt tôi đi chợ và mua cho tôi đủ thứ đồ chơi. Điều tôi nhớ nhất là bà nội luôn bênh vực và bảo vệ tôi. Ngày đó, mỗi khi tôi có lỗi, ba vừa rút cây roi mây trên vách xuống là bà hắng giọng. Thế là ba chỉ dứ dứ cây roi mây và dọa tôi mấy câu rồi bỏ ra sân ngồi uống nước.
Trở lại với mảnh vườn nhỏ của tôi, tôi thật là có lỗi khi để bụi hoa huệ chuối của nội rụi tàn. Điều tôi cần phải làm bây giờ là trồng lại ngay nơi đó một bụi hoa huệ chuối. Thế là tôi cuốc đất lên cho tơi, trộn thêm một ít phân bón NPK. Xong rồi, tôi tìm đến các cơ sở bán hoa kiểng tìm mua cây hoa huệ chuối. Thế nhưng khi tôi hỏi đến tên hoa huệ chuối, ai cũng lắc đầu.
Tìm kiếm trên internet, tôi được biết: “Tại Việt Nam, canna lily chỉ là một loài hoa dại mọc ở bờ bụi mà nhiều người không hề biết tên. Một số người yêu hoa gọi chúng bằng những cái tên khác nhau như huệ chuối, ngải hoa, ngải chuối, huệ nước… Chúng thường mọc thành đám rộng, tạo nên vẻ thơ mộng, dân dã của một góc thôn quê”.
Thế là, tôi lặn lội về vùng quê ấp Mỹ Hảo, xã Chánh Mỹ tìm xin cây hoa huệ chuối. Thật đúng như lời giới thiệu, vừa qua cánh đồng trồng sen, rẽ vào con đường nhỏ, tôi bắt gặp ngay một bụi huệ chuối đang ra hoa đỏ rực ngay bàn thiên trước ngôi nhà nhỏ. Nhìn thấy một bà cụ dáng dấp như bà nội tôi ngày xưa, tôi cất tiếng gọi: “Bà ơi, bà cho cháu xin…” Bà cụ khoát tay: “Không có ai ở nhà, muốn hỏi gì tới đằng kia có tiệm tạp hóa, vô đó hỏi”. Thấy bà cụ tỏ thái độ cảnh giác với người lạ, tôi đâm ra dè dặt, nhưng lẽ nào tìm được hoa rồi lại quay về tay không. Tôi rụt rè: “Bà ơi, bà cho cháu xin một cây hoa huệ chuối…” Bà cụ hé cửa bước ra, nhưng vẫn đứng trong sân, trả lời: “Muốn xin gì, chiều quay lại đi cháu. Mấy đứa nhỏ dặn bà không được mở cửa cho người lạ vào nhà”. Nghe bà nói vậy, tôi thất vọng vô cùng, nhưng ráng cười gượng, nói: “Bà nội cháu rất thích hoa này, cháu tìm mua mấy chỗ rồi mà không có, thôi cháu xin phép bà, hôm nào cháu quay lại”.
Tôi vừa quay đầu xe chuẩn bị ra về thì bỗng dưng bà cụ cất tiếng gọi: “Khoan đã cháu, cháu tìm hoa này cho bà cháu à! Thế nhà cháu ở đâu, bà cháu năm nay bao nhiêu tuổi rồi?”. “Nhà cháu ở chợ thị xã, bà cháu năm nay gần 80 tuổi, nhưng bà đã mất hơn 3 năm rồi bà ạ!”. Bà cụ chậm rải bước ra cổng mở cửa rào: “Cháu vào đi, cháu nhổ mấy bụi chuối con về trồng, khéo đừng làm hư cây của bà”. Hì hục muốn toát mồ hôi, tôi mới bứng được mấy bụi chuối con. Tôi cảm ơn bà rối rít rồi lật đật quay về.
Sau những giờ phút căng thẳng trong công việc, trở về nhà chăm sóc mấy chậu hoa và bụi huệ chuối, tôi cảm thấy được giảm stress rất nhiều. Đặc biệt, mỗi khi nhìn ngắm những bông hoa huệ chuối bình dị, mong manh, rung rung trước gió, tôi cảm thấy ấm áp khi nhớ đến tấm lòng nhân hậu của nội và của bà cụ ở vùng quê Chánh Mỹ thơ mộng, hiền hòa.
HẠNH NGUYÊN
Trích : Báo bình dương
https://baobinhduong.vn/binh-di-nhu-hoa-hue-chuoi-a89136.html
Nhận xét
Đăng nhận xét