Đã bao giờ bạn tưởng tượng khi nền văn minh của con người biến mất, thế giới sẽ trông như thế nào?
Những lời đồn đoán về Ngày Tận thế cuối năm 2012 đã khiến không ít người hoang mang, lo sợ.
Tuy những lời dự đoán này đều thiếu cơ sở khoa học, nhiều người vẫn thử hình dung về cuộc sống sẽ diễn ra như thế nào sau Ngày Tận thế.
Họa sĩ người Nga Vladimir Manyuhin đã thể hiện chủ đề này qua các tác phẩm digital art đặc sắc của ông.
Theo tưởng tượng của họa sĩ, những hình thức giao thông hiện đại mà chúng ta vẫn quen thuộc như máy bay, tàu hỏa hay xe hơi sẽ biến mất. Trong ảnh, họa sĩ thể hiện một toa tàu cũ nát trong sự điêu tàn của sân ga.
Các thành phố lớn bị bỏ hoang. Những tòa cao ốc và nhà thờ tráng lệ vẫn còn đó nhưng đã trở thành những công trình chết do không còn sự hiện diện của con người.
Các loài thực vật bắt đầu xâm chiếm những tòa nhà bỏ hoang. Họa sĩ tưởng tượng những loại cây leo trèo lên khắp các cây cột, gợi lên sự tương phản rõ rệt giữa sự hoang dại của cỏ cây với tàn tích bằng kính và thép của tòa nhà.
Cây cỏ lan tràn khắp nơi trong thành phố. Chúng che lấp những biển hiệu, leo lên dây điện và phủ kín một chiếc ô tô vô chủ. Dường như Ngày Tận thế của nền văn minh lại trở thành cơ hội để thiên nhiên phục hồi quyền lực của nó.
Hình ảnh “thành phố chết” khá quen thuộc trong các sáng tác về Ngày Tận thế. Những tòa nhà và biển quảng cáo trở nên cũ kỹ và hoen rỉ, còn cỏ hoang thì xâm chiếm những đại lộ thẳng tắp. Tác giả đã khéo léo sử dụng màu sắc của bầu trời để tăng thêm vẻ hoang tàn của cảnh vật.
Trong tranh, hai người đàn ông đang bước đi trong cánh đồng không mông quạnh. Vẻ điêu tàn được thể hiện qua màu sắc của bầu trời và hình ảnh chiếc máy bay trực thăng cũ nát. Trên cánh đồng, các cây cột điện trông chẳng khác mấy những thân cây khẳng khiu, trụi lá.
Cùng cánh đồng đó, Manyuhin lại thể hiện “đêm Tận thế” với một vẻ lạnh lẽo, thê lương. Mặt trăng chiếu sáng những cuộn mây vần vũ trên bầu trời và những đám sương trắng nhợt trên mặt đất. Hai người đàn ông phải đốt lửa ngoài trời, trong khi ngôi nhà ngay cạnh đó không được họ sử dụng.
Nhà thờ tòa thánh Basil và tháp Spasskaya, những công trình biểu tượng của thủ đô Moscow (Nga) như biến thành lâu đài ma rùng rợn. Dưới chân nhà thờ thánh Basil, bạn có thể nhìn thấy một túp lều tranh với đống lửa giống như của những người nông dân thời xưa.
Những tác phẩm của Manyuhin đều chú ý nhiều đến việc sử dụng ánh sáng trong thể hiện nội dung tranh. Ánh Mặt trời rực rỡ trên tòa thánh Basil tương phản mạnh mẽ với màu tối của những đám mây, gợi cho người xem về sự hy vọng.
Lăng tưởng niệm Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln trong tưởng tượng của họa sĩ như trở thành một hang động giữa rừng già. Ánh sáng rọi vào bức tượng uy nghi và cả người đàn ông nhỏ bé đang ngồi dưới bậc thềm.
Những tưởng tượng về Ngày Tận thế không phải lúc nào cũng đen tối. Ánh sáng từ những ô kính vỡ trên nóc sân ga chiếu sáng một “khu vườn” sống động. Một người thợ săn (góc trái, dưới) tìm cách thích nghi với cuộc sống mới bằng việc săn bắn. Tác giả như ẩn ý con người sẽ không bao giờ chịu đầu hàng trước bất cứ nghịch cảnh nào.
Nhận xét
Đăng nhận xét