Khi không giữ được công ăn việc làm, bạn có thể rất muốn trút giận lên đầu một ai đó. Bạn cho rằng mình bị đối xử tệ và phải có người hứng chịu sự bất mãn của bạn, nhưng bạn đã lầm.
Không có một quy tắc chính thức nào về việc bạn phải ứng xử ra sao khi mất việc, nhưng dưới đây là một số gợi ý về những việc mà bạn không nên làm khi lâm cảnh bị sa thải:
1. Đừng công khai chỉ trích bất kỳ ai
Với những người bạn thân và người thân trong gia đình, nếu bạn cảm thấy cần xả cơn bực dọc và những lời phàn nàn, thì bạn có thể thực hiện việc đó. Tuy nhiên, đối với những người khác, việc trách móc một ai đó trong chuyện bạn mất việc sẽ chỉ khiến bạn mang hình ảnh của một kẻ thất bại đau khổ. Mà chẳng ai muốn liên quan, dính dáng gì đến một kẻ thất bại đau khổ cả.
2. Đừng phá hỏng bất kỳ mối quan hệ nào
Cố gắng cư xử lịch sự, cho dù tình hình công việc của bạn có tệ hại ra sao. Có thể, bạn thấy vui khi nằm trong danh sách nhân viên của đợt sa thải vì bạn không thể chịu đựng nổi sếp hoặc công việc đó nữa, nhưng không cần thiết phải “kể lể” chuyện đó với ai ngoài những người bạn thân thiết nhất hoặc người thân của bạn. Đừng nói những điều xấu về bất kỳ ai ở nơi làm việc mà bạn vừa phải rời đi.
Hãy ghi nhớ quy tắc: “Nếu bạn không nói được điều gì tốt đẹp, thì tốt nhất đừng nói gì cả”. Tuân thủ quy tắc này và bạn sẽ không bao giờ phải hối hận.
3. Đừng tỏ ra đau khổ
Dĩ nhiên là bạn có quyền bày tỏ những cảm xúc tiêu cực bên trong con người mình khi lâm cảnh thất nghiệp. Nhưng tốt hơn hết, hãy thể hiện điều đó ở những nơi như phòng tập thể dục, thay vì ở nơi công cộng. Cho dù bạn bị đối xử không công bằng trong công việc, thì sự thật là chẳng ai quan tâm tới điều đó. Tình cảnh tồi tệ của bạn không phải là vấn đề của họ.
Khi bạn khăng khăng đòi một ai đó phải hiểu vì sao lẽ ra bạn không nên bị sa thải, bạn nghĩ họ có thể thông cảm với bạn, nhưng thực ra, bạn có thể mất đi người ủng hộ. Những người tỏ ra cảm thông với bạn có thể lắc đầu khi họ ra khỏi cuộc trò chuyện với bạn và không muốn có bất kỳ liên hệ gì nữa với bạn - con người giận dữ và đau khổ.
4. Đừng nói với mọi người bạn bị sa thải là do tuổi tác
Sự phân biệt đối xử về tuổi tác trong công việc là có thật. Tuy nhiên, khi bạn nói với ai đó bạn mất việc vì bạn “già” hơn những người khác, thì hình ảnh của bạn trong mắt họ cũng chẳng khá lên. Thay vào đó, cách biện minh này của bạn sẽ khiến bạn bè hoặc người thân ngại giới thiệu bạn cho những vị trí công việc nằm trong phạm vi quen biết của họ.
Ngoài ra, mọi người cũng có thể cho rằng, tuổi tác không đóng vai trò gì trong việc bạn bị sa thải, mà lại cho rằng, bạn mất việc vì không có được những kỹ năng và kinh nghiệp mà công ty cần. Tóm lại, đề cập đến tuổi chỉ khiến mọi người băn khoăn liệu bạn quá già, hoặc là một người lạc hậu. Điều này sẽ gây bất lợi cho bạn trong quá trình tìm việc.
5. Đừng “ngủ quên”, hãy chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc tìm việc mới
Đừng cho rằng bạn sẽ dễ dàng tìm được một cơ hội mới mà hãy có hành động phù hợp để đặt bản thân vào tư thế sẵn sàng cho cuộc tìm kiếm một công việc mới. Những công việc bạn cần làm làm chuẩn bị những bộ hồ sơ mới, bao gồm cả hồ sơ trực tuyến, tăng cường hiện diện trên mạng, tìm những công việc cần tuyền phù hợp để nộp hồ sơ, và “lên dây cót” cho những cuộc phỏng vấn khi được nhà tuyển dụng gọi.
6. Đừng “lăng xăng” khắp nơi và nói với mọi người bạn đang đi tìm việc
Lời khuyên này nghe có vẻ như trái ngược với lời khuyên bên trên. Đúng là bạn cần tận dụng các mối quan hệ quen biết để tìm việc, nhưng nếu gặp ai quen biết bạn cũng nói là bạn đang tìm việc thì không có nghĩa là họ sẽ dừng lại và nghĩ cách giúp bạn.
Thay vào đó, hãy tìm cách mở rộng các mối quan hệ và học cách giới thiệu về những kỹ năng và giá trị và bạn có. Nói cách khác, hãy tỏ ra là một con người chuyên nghiệp trong lĩnh vực nghề nghiệp của bạn, đừng “lang thang” với hai chữ “kiếm việc” trong đầu.
7. Đừng quên các công cụ trực tuyến có thể giúp bạn mở rộng mạng lưới quan hệ và thể hiện năng lực của bạn
Các công cụ mạng xã hội có thể giúp bạn kết nối với nhiều người và những người đó có thể sẵn sàng giới thiệu cơ hội việc làm cho bạn. Hãy xây dựng cho mình một sự hiện diện trên mạng để người khác dễ dàng nhận ra bạn trong vai trò một chuyên gia trong lĩnh vực của bạn. Hãy đảm bảo hồ sơ của bạn trên mạng xã hội nghề nghiệp LinkedIn đã đầy đủ 100% và cân nhắc xem có thể sử dụng hiệu quả các mạng xã hội khác.
8. Đừng ngồi cả ngày trước máy tính
Bạn có xu hướng muốn lên mạng cả ngày và nộp hồ sơ cho bất kỳ công việc nào mà bạn “vớ” được. Tuy nhiên, nên tránh làm vậy. Nhiều nhà tuyển dụng tìm nhân sự thông qua các mối quan hệ quen biết và giới thiệu, nên bạn nên nhớ là nộp hồ sơ trên mạng chỉ là một phần trong nỗ lực tìm việc của bạn mà thôi.
9. Đừng xem mất việc là tiêu cực
Đôi khi, bị sa thải cũng có cái hay của nó. Có thể bạn ghét công việc đó và bạn luôn có mong muốn được thử nghiệm những cái mới. Có thể đây chính là là lúc để bạn tổ chức kinh doanh riêng, hoặc biến một sở thích cá nhân nào đó trở thành một cơ hội công việc toàn thời gian và tạo ra thu nhập.
Theo Dân trí
Nhận xét
Đăng nhận xét