Làm đẹp lòng sếp không phải là cách hay để tăng thu nhập, bởi một nghiên cứu cho thấy phần lớn chủ doanh nghiệp chỉ đồng ý tăng lương nếu người lao động tỏ ra kiên quyết trong quá trình thương lượng.
Đa số chủ doanh nghiệp sẽ không bao giờ tăng lương cho người lao động nếu người đó không tỏ ra chủ động và kiên quyết trong quá trình đàm phán. Các nhà tâm lý của Đại học Temple và Đại học George Mason tại Mỹ, phỏng vấn 149 người lao động mới được tuyển dụng để tìm hiểu chiến thuật hiệu quả nhất trong nỗ lực đàm phán mức lương, Telegraph đưa tin. Họ nhận thấy những người lảng tránh thảo luận về lương trong các buổi phỏng vấn với nhà tuyển dụng hoặc cuộc họp đánh giá nhân viên hầu của công ty rất hiếm khi được sếp tăng lương.
Trong một bài viết trên tạp chí Organizational Behaviour, nhóm nghiên cứu khẳng định những cá nhân chủ động gặp sếp để đàm phán về lương được hưởng mức lương trung bình hàng năm cao hơn từ 5.000 USD trở lên so với người khác. Nếu tính trong 40 năm, những cá nhân chủ động đòi tăng lương kiếm được nhiều hơn tối thiểu 600 nghìn USD so với những người không chủ động. Sự khác biệt này đúng với mọi nghề nghiệp, với cả nam và nữ.
Ngay cả khi không được tăng lương, người lao động vẫn có thể được hưởng nhiều lợi ích khác – như các kỳ nghỉ, điện thoại di động, bảo hiểm nhân thọ - nếu họ chủ động gặp sếp để đề nghị tăng lương.
Giáo sư Crystal Harold, một giảng viên của Đại học Temple, cho biết, ông và các đồng nghiệp muốn giải mã những bí mật giúp người lao động thành công trong quá trình đàm phán về lương.
“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy những người lao động chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc đàm phán thường tỏ ra kiên quyết hơn và xác suất thành công của họ cũng lớn hơn”, Harold phát biểu.
Bà Harold nói cụm từ “chuẩn bị kỹ lưỡng” bao gồm việc người lao động tự định giá năng lực bản thân, tìm hiểu mức lương của những người làm cùng công việc và mặt bằng lương của công ty. Ngoài ra, cơ hội thành công luôn tìm tới những người không chấp nhận câu trả lời “không” của sếp, sẵn sàng thôi việc hoặc bỏ bớt trách nhiệm nếu yêu cầu tăng lương bị từ chối.
Michelle Marks, một nhà tâm lý của Đại học George Mason, cho rằng trong giai đoạn kinh tế suy thoái như hiện nay, tăng lương là điều xa xỉ đối với một bộ phận lớn trong lực lượng lao động. Vì thế, kết quả nghiên cứu rất có ý nghĩa đối với những người làm thuê và cả những người sử dụng lao động.
Theo Vnexpress
Nhận xét
Đăng nhận xét