Cách đây vài năm, trong một lần ra sân bay để bay từ Hà Nội và Sài Gòn, tình cờ tôi đã mua được một cuốn sách mang tên “ Làm ít được nhiều ”. Tựa đề của cuốn sách đã tạo cho tôi một ấn tượng rất mạnh bởi thông điệp ngắn gọn của nó cũng như nội dung mà nó truyền tải thật sự thuyết phục, nó giúp bạn có những tư duy mới về sự cân bằng cuộc sống, thứ mà con người ngày nay đang rất thiếu, đó là làm thế nào để chúng ta vừa có thể thành công trong sự nghiệp vừa có thể vẫn hạnh phúc trên đường đời.
Ngay từ nhỏ chúng ta đã thường được nghe cha mẹ, thầy cô dạy dỗ rằng chăm chỉ là điều tốt đẹp, bạn càng nỗ lực, bạn càng quyết tâm, bạn càng chịu đựng giỏi bạn càng là người tốt, bạn càng là người có ích. Khi lớn lên đi làm, chúng ta thường được đánh giá rằng mình là một nhân viên giỏi khi bạn chịu khó đi sớm về muộn, làm việc thâu đêm hay một nhân viên mẫu mực là một nhân viên phải đem việc về nhà.
Trên các phương tiện truyền thông, đâu đâu cũng cổ vũ cho những tấm gương, hình ảnh của những doanh nhân, những người nổi tiếng, giàu có, thành đạt và nhiều quyền lực…Họ là những người bận rộn. Dường như ngành truyền thông đã định hướng cho chúng ta rằng đó là những tấm gương, những hình mẫu mà chúng ta phải theo đuổi, noi theo.
Vào các hiệu sách, tràn ngập trên các giá sách là hàng ngàn hàng vạn các cuốn sách về thành công, giàu có, kỹ năng mềm, nghệ thuật sống…các cuốn sách này kêu gọi mọi người học tập để trở thành một ai đó.
Thế rồi chúng ta phấn đấu, nỗ lực theo đuổi, lao động, chịu đựng vất vả để đạt được nhiều thứ nhưng chúng ta không hề biết rằng chúng ta càng ngày càng xa rời con người thật của mình cũng như chúng ta “leo lên những bậc thang thành công để rồi đến khi leo đến bậc thang cuối cùng chúng ta mới nhận ra rằng chiếc thang đang dựa nhầm một bức tường nào đó”.
Tất cả những điều đó đã đưa chúng ta ngày càng tiến xa trên con đường “mất cân bằng trong cuộc sống”. Chúng ta làm mọi việc một cách nhanh hơn, làm nhiều việc hơn và ngày càng ít thời gian hơn dành cho bản thân, gia đình và cảm nhận cuộc sống.
Chúng ta nói nhiều về tình trạng stress, chúng ta ngưỡng mộ những người “thành công” nhưng chúng ta không hề biết rằng những người “thành công” ấy lại chính là những người đang gánh chịu những stress tài giỏi như thế nào, điều đó có khác nào chúng ta yêu thích những thứ đang giết dần giết mòn cuộc sống của mình.
Chúng ta cứ chạy, chạy mãi, càng chạy càng muốn chạy nhanh, chúng ta sợ hãi khi có ai đó đuổi kịp mình, chúng ta dường như luôn sợ hãi nếu đi chậm hoặc dừng lại thì ai đó sẽ lấy đi mất “miếng bánh” của mình.
Tôi đã nhiều lần hỏi mọi người “bạn đang ở đâu và bạn muốn mình sẽ ở đâu trong các lựa chọn sau: Làm nhiều – được nhiều, Làm ít – được ít, Làm nhiều – được ít, Làm ít – được nhiều thì nhiều bạn đã hết sức bối rối trước những gì tôi đặt ra. Và cuối cùng từ trong sâu thẳm mọi người đều đồng ý với tôi rằng thực sự thì “Tôi muốn chọn Làm ít được nhiều”.
Để có thể “ Làm ít được nhiều ” trước hết bạn cần phải thay đổi tư duy của mình, thay đổi những niềm tin đã từng ăn sâu trong lòng bạn từ nhiều năm qua. Đó chính là thay vì tập trung vào những việc khẩn cấp, bạn phải tập trung vào những việc quan trọng. Giá trị của bạn không phải ở chỗ bạn làm việc chăm chỉ như thế nào mà ở chỗ bạn làm việc hiệu quả như thế nào. Để làm việc hiệu quả thì không phải là bạn càng làm nhiều việc càng tốt mà ở chỗ làm càng ít việc càng tốt nhưng những việc đó thực sự có giá trị và nó hết sức quan trọng.
Tôi rất thích một câu nói “Một trong những việc cần làm ngay của bạn chính là bạn đừng làm gì cả”. Điều đó có nghĩa rằng ngay vào lúc này như một người lái xe bạn cần phải dừng ngay xe lại, mở cửa xe, bước ra ngoài, nghỉ ngơi, hít thở không khí trong lành, kiểm tra bảo dưỡng xe, định hướng rồi mới lại tiếp tục đi.
Để có thể bình an trong cuộc sống bạn cần phải làm mọi thứ chậm hơn chứ không phải nhanh hơn, bạn cần phải có thời gian quan sát, cảm nhận, tận hưởng tất cả những gì bạn đang làm cũng như những gì xảy ra xung quanh bạn. Tôi rất thích một câu nói “Chúng ta không phải là những con người đang sống nữa mà chúng ta đang trở thành những con người đang hành động”. Chúng ta đang ngày càng trở thành một cỗ người máy hơn là con người.
Nếu lúc nào bạn cũng hành động, hành động thì bạn chẳng lúc nào có một chút nhàn rỗi gì cả. Tôi rất thích mỗi khi nhìn thấy màu xanh lá cây, nhìn thấy màu xanh này tôi liên tưởng đến những công viên, bãi cỏ, khu rừng và những người làm vườn và tôi nghĩ rằng họ là những người thật hạnh phúc. Mỗi khi đi qua những khu có nhiều hồ, tôi thích ngắm những người ngồi câu cá, có vẻ họ là những người “ăn không ngồi rồi”, nhưng không phải, họ là những người đang thực sự tận hưởng từng giây phút của cuộc sống.
Nói vậy, không có nghĩa rằng tôi muốn bạn không làm gì mà điều tôi muốn nói, mỗi ngày ít nhất bạn cần dành cho mình một giờ không làm gì cả. Bạn đừng đọc sách, xem tivi, làm việc…mà hãy bất động, cảm nhận bất cứ điều gì xảy ra trong cuộc sống. Không phán xét, không bình luận, không thay đổi…
Có một thời gian dài, cứ mỗi khi về nhà vợ con tôi thường hay trêu tôi “nhìn bố bận rộn kìa” vì mọi người nhìn thấy cả buổi tối tôi gọi hết đến cuộc gọi này đến cuộc gọi khác. Đã có lúc tôi ngưỡng mộ những người bận rộn. Tôi cũng thường hay gặp những người tỏ ra bận rộn, họ gọi hết cuộc gọi này đến cuộc gọi khác, họ làm hết việc này đến việc khác, văn phòng thì bừa bộn, dường như họ muốn khoe với thiên hạ rằng mình là người thành đạt bởi sự bận rộn đó.
Có một lần tôi được gặp Bầu Kiên, anh là một trong những người giàu có nhất Việt Nam. Anh kể với tôi rằng anh làm việc 20/24h một ngày. Tôi có kể cho anh nghe, thỉnh thoảng có dịp vào Sài Gòn tôi thường ngồi cà phê với nhạc sĩ Hà Dũng, một Đại gia thực sự với các chân dài, anh rất an nhàn, thông minh, dí dỏm và hài hước, có vẻ anh có một cuộc sống rất viên mãn…Anh Kiên đã cười “Mình ước sớm được nghỉ hưu, về quê làm vườn, đi dạy và xây chùa”.
Tôi nghĩ rằng, để làm người bạn không thể không làm việc nhưng để làm người thực sự thì bạn cũng cần phải dành nhiều thời gian cho bản thân, gia đình, chính vì lẽ đó bạn cần có một tư duy mới, sống chậm lại hay là “ Làm ít được nhiều ”.
Theo Ngọn gió
Nhận xét
Đăng nhận xét